
CÔNG TY SEN VÒI VIGLACERA TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM NGÀY 8/3 VÀ TUẦN LỄ ÁO DÀI VIỆT NAM
Thực hiện văn bản số 16/HD-CĐTCT ngày 12/02/2025 của Tổng công ty Viglacera về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) và "Tuần lễ áo dài Việt Nam", Công ty Sen vòi Viglacera đã tổ chức chương trình du xuân ý nghĩa dành cho toàn thể nữ cán bộ công nhân viên (CBCNV).
Ngày 2/3/2025, nữ CBCNV Công ty đã có chuyến hành trình về vùng Đất Cảng Hải Phòng, tham quan và chiêm bái tại các địa điểm tâm linh nổi tiếng gồm Chùa Cao Linh, Di tích Bạch Đằng Giang, Đền Bà Đế và Chùa Hang. Đây không chỉ là dịp để chị em tận hưởng không gian văn hóa tâm linh mà còn là cơ hội gắn kết tình đồng nghiệp, tạo tinh thần phấn khởi trong công việc.
Chùa Cao Linh được xây dựng vào thời Hậu Lê, cách đây hơn 300 năm bởi dòng họ Lê Văn tại làng Hà Liên. Ban đầu, chùa chỉ có 3 gian tiền đường, 5 gian nhà tổ, 2 gian hậu cung và 3 gian nhà bếp.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chùa Cao Linh còn là nơi bảo vệ, ẩn náu của nhiều chiến sĩ yêu nước. Chùa bị thực dân Pháp tấn công và chịu ảnh hưởng nặng nề với toàn bộ 20 gian nhà bị tàn phá và đốt trụi. Đến năm 2011 thì chùa Cao Linh được trùng tu mạnh mẽ và xây dựng nhiều khu vực mới như Cổng Ngũ Quan, Đại Hùng Điện Bảo, Vườn Tháp, La Hán Đường, Vãng Sinh Đường,... biến nơi đây thành một địa điểm du lịch tâm linh nổi bật tại Hải Phòng.
Tiếp theo, đoàn tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang tại huyện Thủy Nguyên. Đây là quần thể kiến trúc tâm linh mang giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với những trận thủy chiến bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử cùng những chiến công oanh liệt của Đức Vương Ngô Quyền (năm 938), Vua Lê Đại Hành (năm 981), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (năm 1288). Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng Khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.
Khu di tích Bạch Đằng Giang là một địa danh lịch sử đặc biệt nằm trên thế đất tựa sơn, phía trước có thiên nhiên hùng vĩ là sông, biển, đồi núi, đồng bằng. Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2016, hàng loạt công trình trong khu di tích này lần lượt được tôn tạo xây dựng, trở thành một quần thể di tích, gồm đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành, đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Vương Ngô Quyền, đền thờ Thánh Mẫu và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác. Khu di tích Bạch Đằng Giang cũng là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.
Sau khi thăm quan di tích Bạch Đằng Giang, đoàn đến Đền Bà Đế. Đền Bà Đế không chỉ sở hữu cảnh quan sơn thủy hữu tình mà còn là câu chuyện về cuộc đời bi thương của người con gái hồng nhan bạc phận được tưởng thờ tại đây, đó là bà Đào Thị Hương (tức Bà Đế) - vợ chúa Trịnh Giang, đền Bà từng được vua Tự Đức về thăm và ban sắc phong “Đông Nhạc Đế Bà - Trịnh chúa phu nhân”.
Tương truyền, vào năm 1718 ở phía đông nam vùng Ngọc Ðồ Sơn có đôi vợ chồng họ Ðào sinh ra một người con gái đặt tên là Ðào Thị Hương. Nhưng kỳ lạ thay, từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên, người con gái ấy luôn tỏa ra mùi hương thơm ngát, người phát ánh hào quang, đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Có một ngày Chúa Trịnh Giang đi kinh lý Ðồ Sơn, khi dạo thắng cảnh đã xúc động trước tiếng hát truyền cảm cùng với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Bà, Chúa yêu mến và quyến luyến không rời.
Một thời gian sau, Bà mang thai, Hàng Tổng biết chuyện và bắt bố mẹ Bà phải nộp phạt. Nhưng vì nhà nghèo không có tiền nộp phạt, Hàng Tổng đem Bà dìm xuống biển. Trước khi chết, Bà khóc lóc, xót thương cha mẹ cũng như số phận của bản thân. Bà ngửa mặt lên trời khóc than rằng: “Phận gái thân cô, gặp Chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên. Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần”. Quả nhiên bà nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ.
Về sau, người dân trong vùng vẫn nghe tiếng bà than khóc trong gió biển: "Khi nào dây mục, cối tan thì mối hận thù này mới được gỡ bỏ”. Sau một tháng, thuyền hoa của chúa về rước bà về kinh. Biết chuyện Chúa Trịnh vô cùng đau khổ và thương tiếc cho Bà. Chúa Trịnh Giang đã cho xây đền, lập đàn giải oan cho Bà. Sự tôn nghiêm của ngôi đền bảo vệ ngôi làng khỏi những tên cướp biển và kẻ xấu.
Điểm cuối cùng của chuyến du xuân đoàn đã đến Chùa Hang, Chùa Hang có tên chữ là Cốc Tự, trước thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương; nay thuộc địa bàn phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đây là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, cổ truyền của người địa phương.
Đây là một ngôi chùa thiên tạo, có từ rất sớm của Đồ Sơn. Chùa còn giữ được nhiều nét sơ khai nguyên thủy như cách bài trí thờ tự: Tượng nhất pho, bầu đá, bát hương như để thích ứng với điều kiện khí hậu ẩm của vùng biển Đồ Sơn, đồng thời với sự truyền bá Phật giáo vào vùng đất này. Ngoài di vật tượng Phật bằng đá, ở chùa Hang còn tồn tại một giếng nước cổ truyền. Tại đây, nhà sư từ Ấn Độ Phật Quang đã dùng nước ngọt từ giếng này. Đây chính là dấu tích còn lại của ngôi chùa cách thời đại ngày nay hơn 20 thế kỷ.
Ngoài những quan điểm của các học giả nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài đánh giá về những bước du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, xung quanh ngôi chùa Hang, thì dân làng còn kể lại: Vào cuối thời Hùng Vương, ở đây có một vị sư tên Bần là người Ấn Độ, tự lập bàn thờ Phật và tu ở chùa hang - núi Đồ Sơn, cuối đời nhà sư cũng viên tịch chính tại hang núi này.
Bên cạnh hành trình du xuân, Công ty Sen vòi Viglacera còn phát động hưởng ứng "Tuần lễ áo dài Việt Nam", khuyến khích nữ CBCNV mặc áo dài trong tuần lễ từ ngày 1/3 đến 8/3/2025, nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh chị em duyên dáng trong tà áo dài không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn tạo không khí tươi vui, rạng rỡ trong môi trường làm việc.
Hoạt động kỷ niệm ngày 8/3 năm nay không chỉ thể hiện sự quan tâm của Ban lãnh đạo Công ty đối với đời sống tinh thần của nữ CBCNV mà còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển bền vững của Công ty Sen vòi Viglacera.
Một số hình ảnh tại buổi kỷ niệm ngày 8/3
Các tin khác
- KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
- CHÚC MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27/02/2025
- Đầu tư công nghệ hiện đại bậc nhất đưa hàng ‘made in Vietnam’ ra thế giới
- Ngành hàng thiết bị vệ sinh Viglacera: Những nỗ lực bứt tốc
- Công ty Sen vòi Viglacera tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025 - 2027
- Công ty Sen vòi Viglacera tổ chức Hội nghị người lao động năm 2025
- THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
- “AURORA”, CỘNG HƯỞNG NGHỆ THUẬT & HỆ SINH THÁI XANH VIGLACERA